Đánh thuế bất động sản bỏ hoang: Giảm động lực đầu cơ và kiềm chế đà tăng giá nhà đất
Theo chuyên gia, việc đánh thuế bất động sản bỏ hoang sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất và các hoạt động mua đi bán lại bất động sản để ăn chênh lệch, hay tạo cung cầu ảo để thổi giá bất động sản dần trở nên vô nghĩa.

Đánh thuế bất động sản hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những người mua nhằm phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh là việc làm vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, vừa giúp điều tiết thị trường bất động sản và cũng là
Tại buổi làm việc với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu ban hành chính sách đánh thuế bất động sản đối với đất, nhà ở không sử dụng, phần chênh lệch giá đất với giá bán.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thực trạng “nhà hoang”, “biệt thự hoang”, “khu đô thị hoang” đã quá phổ biến tại một số thành phố lớn, tạo nên một nghịch cảnh trớ trêu là trong khi đất, nhà “hoang hóa” thì nhiều người dân chật vật, làm cả đời cũng chưa mua nổi một mảnh đất, căn nhà.
Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn tạo ra bất công xã hội, khi mà phần lớn nguồn cung nhà đất dù ngày càng khan hiếm nhưng vẫn tiếp tục rơi vào tay những người dư dả tài chính, trong đó không ít người gom mua với mục đích đầu cơ.
Theo ông Đính, việc đầu cơ và đầu tư tại Việt Nam hiện vẫn chưa được phân định rõ ràng. Mua bất động sản để ở hay cho thuê, chuyển nhượng là hợp pháp và là hoạt động gắn liền với cơ chế thị trường, trên cơ sở tự chịu trách nhiệm “lời ăn, lỗ chịu”. Nhưng hoạt động mua bán, chuyển nhượng không được kiểm soát là nguyên nhân chính của tình trạng “sốt đất”. Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng đầu cơ bất động sản để đẩy giá nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao đang rất phổ biến.
“Đánh thuế bất động sản hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những người mua nhằm phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh là việc làm vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, vừa giúp điều tiết thị trường bất động sản và cũng là xu hướng chung trên thế giới”, ông Đính nói.
Chia sẻ với báo chí, GS, TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, phân tích: có ý kiến cho rằng nên học Singapore đánh thuế ngôi nhà thứ 2, nhưng đặc thù của Việt Nam khác, bởi có trường hợp ngôi nhà thứ nhất giá trị rất lớn, còn nhà thứ 2 giá trị rất nhỏ thì không lẽ chỉ thu thuế ngôi nhà thứ 2 mà bỏ qua nhà thứ nhất.
Một số nước thu thuế 1 – 1,5% giá trị với tất cả trường hợp sở hữu nhà, đất. Nhưng với Việt Nam, thu nhập người dân đang còn thấp, nếu thu mức này thì người dân không chịu nổi.
Tuy nhiên, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần phải nghiên cứu sắc thuế phù hợp với Việt Nam có thể thu thuế dựa trên giá trị nhà, đất hoặc diện tích sở hữu, đảm bảo mục tiêu vừa chống đầu cơ bất động sản vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Nói về phương án đánh thuế bất động sản, theo ông Nguyễn Văn Đính, có thể đánh thuế cao dần theo thời gian bỏ hoang. Đơn cử, ở Hàn Quốc, đất bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo đất quá 2 năm thì bị đánh thuế 5%, 5 năm thì đánh thuế 8%, bỏ hoang 7 năm thì đánh thuế 9%, bỏ hoang hơn 10 năm thì đánh thuế 10%.
Chính sách thuế này sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất, bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ trở nên rủi ro hơn. Mua đi bán lại bất động sản để ăn chênh lệch, hay tạo cung cầu ảo để thổi giá bất động sản dần trở nên vô nghĩa.
Đồng thời, khuyến khích các chủ sở hữu đưa bất động sản bỏ hoang cho thuê hoặc bán, thông qua đó tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân có nhu cầu ở thực. Còn trường hợp nếu đánh thuế rồi mà người dân vẫn có nhu cầu đầu cơ, thì ngân sách sẽ thu được thuế, phục vụ cho đầu tư công, xây dựng trường học, bệnh viện, đường xá…
Nguồn: báo nhịp sống thị trường