DN, môi giới BĐS than khó tiếp cận khách sau ‘lệnh’ cấm quảng cáo nhắn tin, gọi điện
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2020 không chỉ ảnh hưởng tới môi giới bất động sản mà còn ảnh hưởng tới cả ngành bảo hiểm, ngân hàng… Tuy nhiên, quy định này sẽ buộc các công ty bất động sản hướng tới giải pháp tiếp cận khách hàng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Bán hàng như “khủng bố”
Thời gian qua, những tin nhắn, cuộc gọi điện thoại với nội dung chào bán bất động sản (căn hộ chung cư, biệt thự, đất nền…) khiến không ít người than phiền. Những tin quảng cáo này “bủa vây” khách hàng một cách dồn dập, mọi lúc, mọi nơi… gây ra cảm giác khó chịu, đau đầu đối với nhiều người.
Anh Nguyễn Văn Trung, đang làm việc tại quận 3, TPHCM cho biết, mỗi ngày anh nhận được cả chục tin nhắn và cuộc gọi mời mua nhà đất từ các sàn, nhân viên môi giới. Khoảng vài tháng nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều nhà đầu tư thoát hàng thì số lượng cuộc gọi, tin nhắn anh Trung nhận được tăng lên gấp 2-3 lần, không kể ngày đêm. Không ít lần, anh Trung còn nhận được những tin nhắn kiểu làm như thân quen như: “Anh ơi em Hoa đây, bên em đang có suất ngoại giao mua chung cư… Liên lạc với em theo số…”.
Từ ngày 1/10, việc gọi điện, nhắn tin rác mời mua bất động sản sẽ bị xử phạt.
Trước tình trạng bị tin nhắn, cuộc gọi mời mua bất động sản “tấn công” dồn dập, anh Trung thắc mắc không hiểu từ đâu mà các đơn vị kinh doanh có được số điện thoại của mình để gọi liên tiếp như vậy. Cuộc gọi lạ và luôn hỏi đúng tên. “Nhiều lúc đang bận việc thì số lạ gọi đến, cứ tưởng ai đó có chuyện gì quan trọng nhưng khi nghe máy mới biết mời mua nhà đất, căn hộ. Việc tiếp thị bằng cách gọi điện như thế có thể không có gì quá đáng. Điều làm tôi bức xúc là tất cả thông tin cá nhân như họ tên, độ tuổi, lĩnh vực nghề nghiệp… đều được nhân viên gọi đến nêu chính xác. Điều này chứng tỏ đã có một sự thỏa thuận mua bán, trao đổi giữa các bên để có được những thông tin này, chứ không chỉ đơn thuần là họ gọi vào một số bất kỳ”, anh Trung nói.
Trong khi đó, chị Tuyết Hương (chung cư Phú Thọ, quận 11) cho biết, liên tục nhận được các tin nhắn giới thiệu dự án nhà đất từ nhiều số điện thoại lạ. Sản phẩm được rao bán có từ chung cư thương mại bình dân đến chung cư cao cấp và cả biệt thự. Mới đầu chỉ nhận được 1-2 tin nhắn mỗi ngày thì thấy bình thường nhưng hầu như ngày nào cũng nhận được cả chục tin nhắn khiến chị Hương thực sự cảm thấy khó chịu, mất thời gian đọc nó.
“Buôn bán mà quảng cáo kiểu này chẳng khác gì “khủng bố” khách hàng. Tôi rất ngạc nhiên làm sao chủ nhân những tin nhắn rao bán nhà đất đó lại có số điện thoại của mình, dù tôi chưa bao giờ đi tìm hiểu hay hỏi mua nhà đất ở sàn giao dịch nào? Tất cả tin nhắn đều từ các số lạ, đủ loại mạng di động. Họ gửi mọi lúc, có hôm sáng sớm đã nhắn, đang ăn cơm cũng nhận tin rao bán nhà dự án nọ kia, thậm chí có hôm nửa đêm cũng nhắn khiến tôi thấy như bị “khủng bố”. Tôi ở TPHCM nhưng nhận cả tin nhắn bán đất nền ở Nha Trang, Bình Định, Hà Nội, Phú Quốc, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…”.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho biết, việc Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2020 không chỉ ảnh hưởng tới anh em môi giới bất động sản mà còn ảnh hưởng tới cả ngành bảo hiểm, ngân hàng… Tuy nhiên, ông Hậu nói rằng, quy định đưa ra là vậy nhưng quan trọng là nhà mạng có thực hiện nghiêm túc hay không. Hiện nay, đã có một số nhà mạng áp dụng quy định này rồi. Cuộc gọi nào bị nghi vấn là spam thì kết thúc cuộc gọi, nhà mạng sẽ gửi một tin nhắn: “Đây có phải là số điện thoại spam? Nếu phải thì trả lời là Y, gửi tới nhà mạng” thì số điện thoại đó sẽ bị chặn.
“Ảnh hưởng thì chắc chắn là có rồi. Bán hàng có offline và online nhưng chạy online thì tốn tiền nhiều lắm. Mua một từ khóa Google, mỗi lượt click từ 50-100.000 đồng. Còn cách gọi điện, nhắn tin mời mua bất động sản chi phí sẽ ít hơn. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản cần đẩy mạnh chuyển đổi số hóa, tạo dữ liệu khách hàng cho riêng mình”, ông Hậu nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land nói rằng, Nghị định 91/2020/NĐ-CP là động thái bảo vệ người dùng điện thoại di động bị quấy rầy bởi những cuộc gọi chào mua bán các loại hình hành hóa khác nhau, trong đó có sản phẩm bất động sản. Telesales là một kênh phổ biến của nhiều công ty bất động sản dựa trên việc khai thác dữ liệu không chính thống đã gây nên phản ứng không hài lòng của rất nhiều thuê bao, kéo dài trong thời gian khá lâu. Do đó, quy định này sẽ buộc các công ty bất động sản hướng tới giải pháp tiếp cận khách hàng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, Tập đoàn Vạn Phúc đã áp dụng phần mềm Fastkey của Property Guru Singapore vào việc bán hàng tại dự án Van Phuc City ở Thủ Đức. Với phần mềm này, nhân viên môi giới sẽ sử dụng máy tính bảng để tư vấn bán hàng, các giao dịch đặt chỗ, chuyển cọc một cách thuận tiện, chính xác và minh bạch. Phần mềm này còn chứa tất cả thông tin về sản phẩm bao gồm bản đồ, chính sách bán hàng, thiết kế và video nội thất, cảnh quan rất tiện lợi. Khách hàng có thể tham khảo thông tin sản phẩm từ xa.
Chị Lê Thị Thông, môi giới bất động sản cho một công ty ở quận 3 nói rằng, việc gọi điện, nhắn tin giới thiệu sản phẩm qua điện thoại là cách làm khá hay, cung cấp sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần chọn lọc đối tượng phù hợp và giới hạn số lượng hợp lý.
“Nghị định 91/2020/NĐ-CP chắc chắn sẽ làm cho chúng tôi khó khăn hơn trong việc tiếp cận khách hàng. Bị hạn chế nhắn tin, gọi điện buộc chúng tôi phải tăng cường quảng bá bằng Google, Facebook”, chị Thông nói.
Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP (bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2020) sẽ xử lý mạnh tay đối với tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác như trên. Cụ thể, lần đầu tiên đã có quy định về xử phạt đối với các vi phạm.
Thứ nhất, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Thứ hai, thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24h mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng, gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 8-17h mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng. Không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo. Không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Thứ ba, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin Truyền thông, gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 30-60 triệu đồng.
Thứ tư, gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng. Mức phạt nêu trên áp dụng với tổ chức vi phạm, nếu cá nhân vi phạm sẽ áp dụng mức phạt bằng một nửa mức phạt của tổ chức.
(.theo Báo tiền phong)