- Trang chủ
- ›
- Kinh nghiệm mua bán
- ›
- Mẹ chồng có quyền đòi nhà, không cho con dâu ở?
Mẹ chồng có quyền đòi nhà, không cho con dâu ở?
Vợ chồng chị Hà (Q7, TP.HCM) đang hạnh phúc thì tai họa giáng xuống khi anh Đức – chồng chị đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, không để lại di chúc. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì chị Hà hay tin mẹ chồng muốn đòi lại ngôi nhà mà bà tặng riêng anh Đức sau khi cưới vợ, nếu không chịu thì phải trả bà số tiền tương ứng ½ giá trị căn nhà. Xét theo pháp luật, mẹ chồng chị Hà có quyền làm vậy hay không?
Trường hợp ngôi nhà được mẹ chồng chị Hà tặng riêng cho chồng chị (anh Đức) và việc tặng/ cho này được công chứng thì ngôi nhà đó thuộc sở hữu riêng của anh Đức. Khi anh Đức qua đời và không để lại di chúc, ngôi nhà trên sẽ trở thành di sản thừa kế và được phân chia theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Khoản 1, 2 Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế trong trường hợp này như sau:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người đã mất
Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người đã mất, cháu ruột của người mất khi người mất là ông bà nội hoặc ông bà ngoại
Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người đã mất, cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã mất, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, bố mẹ chồng và chị Hà đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất, và hưởng di sản bằng nhau. Do đó, nếu mẹ chồng chị Hà yêu cầu lấy lại cả ngôi nhà là không phù hợp với quy định của pháp luật. Chị Hà có thể trao đổi rõ ràng vấn đề này với mẹ chồng, trường hợp không thể đi tới thỏa thuận có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ giải quyết.