Tiền sẽ đổ vào chứng khoán, tiết kiệm hay bất động sản dịp cuối năm?
Nhịp sống thị trường – Những biến động của thị trường BĐS gần như chưa dừng lại khi tâm lý của người mua vẫn bị dao động bởi các thông tin khác nhau.
Với thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư đều hiểu đây là kênh sinh lời. nhanh chóng nhưng lại rủi ro cao, hay bị dẫn dắt bởi tâm lý đám đông, khó kiểm soát và cần có kiến thức chuyên sâu.
Trong khi đó, đầu tư BĐS ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình khoảng 10- 15%/năm. Mức tăng trưởng này đến từ triển vọng có cơ sở là tốc độ đô thị hoá, sự tăng trưởng kinh tế cao, đi kèm hạ tầng còn nhiều dư địa phát triển.
Theo một khảo sát trước đây của Batdongsan.com.vn với khoảng 4 triệu người dùng, cho thấy trong hơn 2 năm qua, từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2022, đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau đó là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.
Chia sẻ tại Talk Show mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, trong các kênh đầu tư hiện tại, BĐS vẫn là kênh trú ẩn được các nhà đầu tư quan tâm. Mức sinh lời phù hợp, khả năng giữ giá trị qua khủng hoảng và khả năng khai thác là những yếu tố BĐS “giữ chân” được nhà đầu tư.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường xuất hiện các xu hướng đầu tư mới, nhiều mô hình BĐS hiện đại sẽ du nhập và phát triển sẽ làm phong phú thêm danh mục đầu tư của nhà đầu tư. Tuy vậy, có điều dễ nhận thấy là mức giá BĐS vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí sẽ có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills từng chia sẻ làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS. Nhiều chủ đầu tư đã rục rịch bung hàng kèm theo chính sách ưu đãi đặc biệt để kích cầu. Trong những tháng cuối năm, nguồn hàng tại các dự án do doanh nghiệp triển khai tiếp tục không có nhiều thay đổi, khan hiếm nguồn hàng mới tại các đô thị lớn vẫn diễn ra. Tuy nhiên, sức cầu có triển vọng.
Cũng theo bà Hằng, trong trung hạn BĐS vẫn là một trong những kênh đầu tư được quan tâm trên thị trường bởi khả năng tăng giá. Từ nay đến 1-2 năm tới, giá BĐS sẽ còn tiếp tục tăng do bị thúc đẩy bởi các yếu tố nguồn cung khan hiếm, tốc độ đô thị hóa cao cùng nhu cầu đầu tư lớn.
Theo các chuyên gia, dòng vốn cuối năm sẽ vẫn tập trung vào các kênh đầu tư chính là chứng khoán và BĐS. Với nhà đầu tư ngắn hạn, họ sẽ ưu tiên nguồn vốn thời điểm này sẽ là kênh đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên với giới đầu tư trung và dài hạn, BĐS mới là sân chơi được ưu ái nhiều nhất. Bởi, nhìn chung tâm lý đầu tư của người Việt dù giai đoạn nào cũng luôn có niềm tin vào việc tăng giá của BĐS, đặc biệt, khi dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thể mở rộng.
Có một điều khó thay đổi của thị trường BĐS từ này đến cuối năm 2022 là nguồn cung nhà ở tiếp tục khan hiếm. Trong khi nhu cầu bất động sản tăng lên, trong quý 2, số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới chỉ có 29 dự án, bằng khoảng 74,4% so với quý trước đó và bằng 42% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung bất động sản căn hộ đang ghi nhận mức giảm dần qua các năm.
Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nguồn cung hạn chế cộng với chi phí đầu vào tăng dẫn đến giá bất động sản tăng khoảng 20-30% so với các năm trước.
Nguồn cung mới trên thị trường khá hạn chế, chủ đầu tư tăng giá bán, người mua sơ cấp kỳ vọng giá trị gia tăng do lạm phát, giá cả nguyên vật liệu xây dựng gia tăng. Đây là những diễn biến trong thị trường vừa qua và một năm trở lại đây, đặc biệt là bất động sản nhà ở.
Các chuyên gia dự báo, thời gian sắp tới, đà tăng giá sơ cấp sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục leo thang, nguồn cung mới khan hiếm trong khi nhu cầu đầu tư còn rất lớn.
Dự báo về thị trường BĐS quý 4/2022, DKRA Group chỉ ra, nguồn cung mới của phân khúc đất nền trong 3 tháng cuối năm sẽ tăng nhẹ, đạt khoảng 1,500 – 2,000 nền, tập trung chủ yếu ở các thị trường vùng ven TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Thị trường thứ cấp có khả năng duy trì ở mức ổn định, khó có sự tăng giá đột biến trong giai đoạn cuối năm. Ngược lại, mặt bằng giá trên thị trường sơ cấp vẫn tiếp tục đà tăng do chịu ảnh hưởng của các loại chi phí đầu vào.
Trong khi ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới Quý 4/2022 có thể sẽ tăng, đạt mức khoảng 6,000 – 7,000 căn. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước vẫn sụt giảm mạnh. Sức cầu chung cũng như thanh khoản thị trường có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi động thái tăng lãi suất, tăng cường kiểm soát tín dụng… trong những tháng cuối năm 2022.
Cùng tình cảnh, nguồn cung mới phân khúc nhà phố, biệt thự có thể sụt giảm so với quý 3/2022, dao động khoảng 2,500 căn, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai và Bình Dương. Sức mua thị trường duy trì ở mức tương đương Quý 3/2022. Mặt bằng giá sơ cấp dự báo sẽ tăng nhẹ, thị trường thứ cấp ổn định, trong ngắn hạn sẽ khó có những đột biến về thanh khoản. (theo http://nhịp sống thị trường)