Vành đai 4 – điểm nóng mới của bất động sản Hà Nội?
Giữa tháng 6, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 vùng thủ đô. Được biết, tuyến đường dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần, chạy qua địa bàn các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư đường vành đai 4 là gần 86.000 tỷ đồng. Riêng đoạn qua Hà Nội, tuyến đường vành đai 4 đi qua 7 quận huyện bao gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Trì và Thường Tín.
Trước đó, tuyến đường vành đai 3 mở rộng đã khiến giá bất động sản ở những khu vực nơi có đường đi qua tăng mạnh. Hiện đường vành đai 3 đang trong tình trạng quá tải, sự xuất hiện của đường vành đai 4 đóng vai trò “chia lửa” với đường vành đai 3. Vành đai 4 được đánh giá là tuyến đường vành đai huyết mạch, không chỉ có ý nghĩa trong kết nối giao thông mà còn tạo động lực phát triển cho vùng Thủ đô, các tỉnh, thành xung quanh và cả nước. Kịch bản gia tăng giá trị bất động sản của vành đai 3 được kì vọng sẽ lặp lại với đường vành đai 4 nhờ sự thuận tiện về kết nối giao thông và phát triển kinh tế.
Một khảo sát của batdongsan.com.vn ghi nhận, trước khi đường vành đai 4 được phê duyệt vào tháng 6/2022 thì 2 năm đại dịch Covid-19 liền kề trước đó cũng là hai năm ghi nhận sự rực rỡ của các khu vực bất động sản ven đô Hà Nội là Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và Thường Tín… Các thị trường này liên tục nổi sóng với các cơn sốt đất nền Hà Nội. Mặt bằng giá đất đã bị đẩy lên cao trong hai năm này. Đơn cử, đất nền Mê Linh, giá đất gần Đại học Tài Chính đang ở mức 30-38 triệu đồng/m2, đất khu Minh Giang Đầm Và, Hà Phong cũng đang có mặt bằng giá khá cao khi những lô vuông vắn, kề cận các tiện ích có mức giá dao động từ 30-50 triệu đồng/m2.
Đất nền Đan Phượng, sau các cơn sốt, hiện mặt tiền thị trấn Phùng đang giữ mức top đầu với giá 150 triệu đồng/m2. Ngoài ra, đất mặt đường 422 Tân Lập có giá bán 52-57 triệu đồng/m2, đất mặt đường Tân Hội cũng đang 55-57 triệu đồng/m2. Đất trong các ngõ ở Đan Phượng là Liên Hà, Liên Trung, Hạnh Đàn, Bình Minh… cũng đều ngoài 20 triệu đồng/m2. Biệt thự, liền kề Hoài Đức, đều đang có giá từ 70-100 triệu đồng/m2 trở lên. Đất trong các ngõ nhở ở Song Phương, La Phù, Vân Côn, Đông La, Kim Chung… có giá từ 30-40 triệu đồng/m2.
Chính bởi giá đất ở các khu vực vùng ven đã bị đẩy lên cao trong 2 năm dịch nên thông tin về đường vành đai 4 xuất hiện vào giữa năm 2022 dù nhận được sự quan tâm lớn nhưng không tạo được các cơn sốt tấp nập người mua, kẻ bán, sang tay trong chốc lát như các cơn sốt trước đó. Ngoài ra, nhà đầu tư Lê Minh Toàn, trú tại Đông Hội (Đông Anh) cho rằng, thông tin đường vành đai 4 được phê duyệt đúng vào thời điểm thị trường bất động sản đang ở “điểm rơi”, đối mặt với hàng loạt thách thức khi tín dụng ngân hàng bị kiểm soát chặt chẽ, chứng khoán lao dốc, lãi suất cho vay tăng cao nên dù là thông tin tích cực nhưng không có được sự cộng hưởng của yếu tố tài chính ngân hàng nên sức mua của thị trường yếu, không có nền tảng để tạo sóng mạnh.
Nhận định về đầu tư bất động sản “ăn” theo đường vành đai 4, ông Vũ Hồng Đức, Giám đốc kinh doanh Câu lạc bộ nhà đầu tư cá nhân NAC cho rằng giá bất động sản ven các tuyến đường vành đai đã thiết lập mức cao, tiệm cận mức giá bất động sản cao nhất các quận, huyện đó. Khu vực này cũng có mức tăng mạnh trong 2 năm dịch bệnh nên việc đầu tư không còn nhiều dư địa tăng giá. Xét trên yếu tố giá, ông Đức cho rằng bất động sản khu vực vành đai 4 hiện còn 2 điểm trũng về giá là Thường Tín và Sóc Sơn – nơi mặt bằng giá một số vị trí có thể đầu tư còn thấp, chưa bị đẩy quá cao.
Nguồn batdongsan.com.vn